Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh – Những điều cha mẹ cần biết

Tiêm vắc-xin viêm gan B

Ước tính rằng, Việt Nam hiện đang có khoảng 20% dân số nhiễm virus viêm gan B. Trong đó, tỷ lệ người mắc xơ gan, ung thư gan và các bệnh về gan ở mức báo động. Đặc biệt với trẻ sơ sinh, nguy cơ nhiễm virus viêm gan B và biến chứng bệnh mạn tính là rất cao. Vì vậy, tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh là vấn đề được các phụ huynh quan tâm hàng đầu. Bạn đang chuẩn bị sinh con nhưng chưa hiểu rõ về tiêm phòng viêm gan B. Những thắc mắc của bạn sẽ được Vaccine Info giải đáp ngay sau đây!

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh gồm mấy mũi?

Viêm gan B chủ yếu lây truyền qua 3 con đường chính sau đây: Đường máu, đường tình dục và đường từ mẹ sang con. Cùng con đường lây nhiễm nhưng tỷ lệ người mắc virus viêm gan B (HBV) cao gấp 100 lần HIV. Vì thế, virus HBV được ví như HIV của thế kỷ mới, nhưng nguy hiểm hơn rất nhiều.

Phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ ngay sau sinh giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây nhiễm viêm gan B

Thông thường, tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh bao gồm 4 mũi tiêm. Các mũi tiêm sẽ được tiến hành theo phác đồ điều trị và hoàn thành khi trẻ 6 tháng tuổi. Đôi khi, quá trình này có thể kéo dài hơn trong một vài trường hợp. Tiêm phòng ngừa viêm gan B nên được tiến hành càng sớm càng tốt. Thực hiện càng sớm thì hiệu quả phòng ngừa càng cao.

Theo khuyến cáo từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mũi tiêm đầu nên tiến hành trong 12-24 giờ đầu sau sinh. 3 liều tiếp theo được tiêm theo phác đồ với khoảng thời gian giữa mỗi lần tiêm tối thiểu là 1 tháng. Vắc-xin viêm gan B cho trẻ em chia làm 2 loại là: vắc-xin đơn giá hoặc kết hợp (5 trong 1 hoặc 6 trong 1). Về sau, trẻ có thể tiêm nhắc lại 4 năm/lần để duy trì khả năng bảo vệ cơ thể. Do vậy, số lượng mũi tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào sức đề kháng của cơ thể.

Trên đây là thông tin tổng quát về tiêm phòng viêm gan B, cùng tìm hiểu chi tiết về phác đồ ngay sau đây.

Phác đồ tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Tiêm vắc-xin viêm gan B để phòng bệnh
Tiêm vắc-xin viêm gan B là biện pháp an toàn, hiệu quả nhằm hạn chế lây nhiễm viêm gan B

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh được chia theo 2 nhóm đối tượng sau:

Trường hợp mẹ không bị nhiễm virus viêm gan B

Với nhóm này, nếu sau sinh bé hoàn toàn khỏe mạnh thì tiến hành tiêm theo phác đồ chung như sau:

  • Liều 1: Mũi tiêm đầu tiên được thực hiện trong vòng 24 giờ sau sinh.
  • Liều tiếp theo: Khi đã đủ 2 tháng tuổi, trẻ được tiêm 3 liều tiếp tục vắc-xin tổ hợp đã có virus viêm gan B. Khoảng cách giữa mỗi lần tiêm là tối thiểu 1 tháng.
  • Tiêm nhắc lại mũi 4 sau 1 năm để đảm bảo hiệu lực kháng thể bảo vệ.

Trường hợp mẹ nhiễm virus viêm gan B

Với trẻ được sinh ra từ người mẹ nhiễm virus viêm gan B, tiêm vắc-xin viêm gan B có thể tuân theo 1 trong 2 phác đồ sau:

✓ Phác đồ 0-1-2-12:

  • Mũi thứ nhất: Trong 12 giờ sau sinh, trẻ được tiêm phối hợp, gồm: huyết thanh đặc hiệu kháng viêm gan B (HBIg) và vắc-xin ngừa viêm gan B để phòng bệnh.
  • Mũi thứ 2: Tiến hành khi trẻ đã đủ 1 tháng tuổi.
  • Mũi thứ 3: Tiến hành khi trẻ đã đủ 2 tháng tuổi.
  • Mũi thứ 4: Tiêm nhắc lại khi trẻ đã đủ 12 tháng tuổi.

✓ Phác đồ 0-1-6-18:

  • Mũi thứ nhất: Trong 12 giờ sau sinh, trẻ được tiêm huyết thanh kháng viêm gan B và vắc-xin ngừa viêm gan B.
  • Mũi thứ 2: Tiêm liều 2 khi trẻ đã đủ 1 tháng tuổi.
  • Mũi thứ 3: Tiêm liều 3 khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi.
  • Mũi thứ 4: Tiêm liều kết thúc khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.

⇒ Lưu ý:

  • Các mũi tiêm 2 + 3 + 4: không cần tiêm nếu trẻ đã tiêm vắc-xin 5 trong 1 hoặc 6 trong 1.
  • Vị trí tiêm huyết thanh phải khác vị trí tiêm vắc-xin phòng viêm gan B. Sở dĩ như vậy là do cơ chế sản sinh kháng thể của 2 mũi tiêm này là khác nhau. Mục đích của tiêm huyết thanh là nhằm cung cấp kháng thể khi cơ thể bé chưa kịp sản sinh. Trong khi, mũi tiêm vắc-xin kích thích cơ thể tự sản sinh ra kháng thể. Do vậy, tiêm 2 mũi cùng vị trí không những không tăng hiệu lực bảo vệ, mà đôi khi chính sơ sót này sẽ gây nguy hiểm tới sức khoẻ bé.

Những điều cần lưu ý khi tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh

Những phản ứng phụ có thể gặp khi tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ

Tác dụng phụ sau tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ
Sau tiêm vắc-xin, trẻ có biểu hiện đau, sốt nhẹ, quấy khóc nhưng không gây nguy hiểm tới tính mạng

Trong thực tế, viêm gan B được đánh giá là loại vắc-xin an toàn dành cho trẻ nhỏ. Tuỳ theo thể trạng, với mỗi bé có thể xuất hiện các phản ứng khác nhau. Phần lớn trong đó là: quấy khóc, vết tiêm sưng đỏ, đau, hay trẻ bị sốt nhẹ. Các biểu hiện trên thường không gây nguy hiểm hay đe doạ tính mạng trẻ. Cùng với đó, nguy cơ xuất hiện sốc phản vệ là rất hiếm gặp.

Tuy vậy, gia đình nên lưu ý theo dõi phản ứng của bé trong 1-2 ngày sau tiêm. Theo dõi sát sao cũng là cách để cha mẹ bảo vệ an toàn cho bé khỏi những tai biến nguy hiểm. Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường như: sốt cao liên miên, cơ thể tím tái, khó thở, hay co giật,… hãy bình tĩnh và ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, điều trị.

Khi nào cần tiêm liều nhắc lại vắc-xin viêm gan B?

Việc tiêm liều nhắc lại vắc-xin phụ thuộc vào lượng kháng thể kháng virus viêm gan B trong cơ thể trẻ. Khi trẻ đủ 15-18 tháng tuổi, cần cho bé tiến hành xét nghiệm HBsAg và anti HBs. Điều này để chắc chắn rằng: trẻ đã được bảo vệ và không bị lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ.

Sau 5 năm, nếu xét nghiệm kháng thể cho thấy nồng độ HBsAg < 10mUI/ml thì trẻ cần được tiêm liều nhắc lại. Việc tiêm nhắc lại sẽ đảm bảo cho trẻ được bảo vệ toàn diện và tối ưu nhất. Khi tiêm đúng và đủ theo phác đồ, hiệu lực bảo vệ lên đến 90% và duy trì trong suốt hơn 20 năm.

Một số thắc mắc khi tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ

Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh hết bao nhiêu tiền?

Tiêm ngừa viêm gan B tại cơ sở y tế
Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tiêm vắc-xin viêm gan B vì sức khỏe của trẻ và lợi ích của toàn xã hội

Tại Việt Nam, tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Vì vậy, trẻ sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí khi tiêm chủng. Cha mẹ có thể đưa trẻ đến bất kỳ cơ sở y tế tại địa phương để tiêm phòng viêm gan B.

Vắc-xin viêm gan B cần tiêm đúng lịch và đủ liều mới phát huy tác dụng bảo vệ lâu dài. Do vậy, mỗi cha mẹ cần lưu ý đến lịch tiêm chủng của trẻ để đảm bảo cho trẻ được tiêm phòng đầy đủ. “Hãy tiêm chủng vắc xin tiêm chủng mở rộng đúng lịch. Không trì hoãn. Không chậm trễ”. Đó chính là khẩu hiệu của Bộ Y tế nhằm khuyến kích người dân tiêm phòng đẩy đủ, vì hạnh phúc gia đình và lợi ích của toàn xã hội.

Lưu ý rằng: Mũi tiêm đầu tiên sẽ được tiến hành tại cơ sở y tế nơi trẻ được sinh ra.

Tại sao cần tiêm vắc-xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh?

Hiện nay, nhiều quốc gia bao gồm Việt Nam đã thực hiện tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ ngay 24 giờ sau sinh. Mục đích của mũi tiêm đầu tiên là nhằm bảo vệ trẻ bị phơi nhiễm với virus ngay sau sinh từ mẹ. Trẻ được tiêm vắc-xin sẽ giảm thiểu tối đa khả năng lây truyền từ mẹ sang con. Quá trình đó là cuộc chạy đua giữa tốc độ nhân lên của virus và khả năng tạo kháng thể của cơ thể. Do đó, trẻ càng được tiêm vắc-xin sớm thì hiệu quả phòng bệnh đem lại càng cao.

Không tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ có sao không?

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy, tỷ lệ trẻ lây nhiễm viêm gan B từ mẹ là gần 100% nếu không được tiêm vắc-xin. Nguy hiểm hơn, 90% trẻ bị nhiễm virus viêm gan B có nguy cơ chuyển sang bệnh mãn tính. Và 25% trong số đó sẽ tử vong sớm do biến chứng ung thư gan và xơ gan. Vì thế mà ở nhiều quốc gia, tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B đã trở thành bắt buộc. Trong trường hợp trẻ không thể tiêm ngay sau sinh, cố gắng tiêm vắc-xin trong vòng 7 ngày. Bởi, sau 7 ngày việc tiêm vắc-xin đã mất đi tác dụng phòng bệnh.

Tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B là cách để bảo vệ cho chính bạn, cho gia đình và cộng đồng.

Những trường hợp nào không nên tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh?

Nhiều bà mẹ lo ngại rằng, tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B ngay sau sinh là quá sớm. Thậm chí, có người còn cho rằng tiêm vắc-xin sớm gây nguy hiểm cho trẻ. Tuy nhiên, với trẻ khỏe mạnh sau sinh hoàn toàn có thể thực hiện mũi tiêm này. Việc tiêm vắc-xin viêm gan B thường rất ít gây biến chứng, do đó các mẹ hoàn toàn có thể yên tâm. Hơn nữa, mũi tiêm đầu tiên được thực hiện ngay sau sinh. Nhờ vậy, trẻ sẽ được các bác sĩ theo dõi diễn biến để xử lý kịp thời nếu có biến chứng xảy ra.

Trẻ sinh non không nên tiêm ngừa viêm gan B ngay sau sinh
Khi sức đề kháng của trẻ còn yếu, việc tiêm vắc-xin cần hết sức thận trọng

Tuy vậy, cũng có những trường hợp trẻ chưa được tiêm vắc-xin viêm gan B sau sinh, như:

  • Trẻ sinh non hay quá tháng, trẻ thiếu cân, trẻ bị ngạt sau sinh,…
  • Trẻ bị nhiễm trùng cấp tính hay bị bệnh truyền nhiễm sau sinh.
  • Mẹ bị sốt trước và sau sinh, hay nước ối của mẹ bị bẩn.

Khi đó, việc có tiêm vắc-xin viêm gan B hay không sẽ phụ thuộc vào chỉ định từ bác sĩ. Gia đình tuyệt đối không tự ý cho trẻ đi tiêm vắc-xin. Tiêm vắc-xin khi sức đề kháng của bé còn yếu sẽ làm tăng nguy cơ gây sốc phản vệ, nặng hơn nữa là tử vong.

Trên đây là những thông tin cần thiết về tiêm vắc-xin ngừa viêm gan B cho trẻ sơ sinh. Hy vọng rằng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn.

Tài liệu tham khảo:

https://www.cdc.gov/hepatitis/hbv/vaccchildren.htm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.