Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh: Những lưu ý cha mẹ cần biết

Những điều cha mẹ cần biết về tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Lao là một trong những căn bệnh truyền nhiễm cực kỳ phổ biến tại các nước đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Với trẻ sơ sinh, khi sức đề kháng của bé còn yếu, nguy cơ lây nhiễm khuẩn lao là rất cao. Chính vì thế, tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh luôn là vấn đề được cha mẹ quan tâm hàng đầu. Nếu bạn đang chuẩn bị sinh con nhưng chưa thực sự hiểu rõ về tiêm phòng lao, hãy theo dõi bài viết dưới đây. Tất cả những băn khoăn, thắc mắc của bạn sẽ được Vaccine Info giải đáp kỹ lưỡng.

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào?

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium Tuberculosis gây ra. Bệnh có khả năng lây nhiễm trực tiếp qua không khí, qua hô hấp khi tiếp xúc với người bệnh. Do đó, để hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm lao, trẻ nên được tiêm phòng lao càng sớm càng tốt, và tốt nhất là ngay khi trong giai đoạn sơ sinh. Theo khuyến cáo từ Bộ Y tế, vắc-xin phòng lao nên được tiêm trong vòng 28 ngày sau sinh.

Xem thêm: Bé 2 tháng tuổi có tiêm phòng lao được không? Cần lưu ý những gì?
Vắc-xin tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh
Vắc-xin phòng lao giúp ngăn ngừa khả năng lây nhiễm lao ở trẻ sơ sinh

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh muộn có sao không?

Tiêm vắc-xin nhằm kích thích cơ thể trẻ tự sản sinh ra kháng thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Việt Nam lại là một trong số những quốc gia có tỷ lệ nhiễm lao cao nhất thế giới.

Do đó, tiêm phòng vắc-xin phòng lao muộn có thể làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh lao cho trẻ. Nhiều trường hợp trẻ bị nhiễm lao chỉ vài ngày sau sinh bởi hệ miễn dịch quá yếu và không đủ khả năng bảo vệ.

Tiêm phòng lao muộn cho trẻ
Hạn chế tối đa việc tiêm phòng lao muộn cho trẻ

Tuy vậy, có nhiều trường hợp trẻ không thể tiêm vắc-xin phòng lao ngay sau sinh. Cụ thể là:

  • Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch, đang trong chế độ chăm sóc đặc biệt.
  • Trẻ mắc bệnh ngay sau sinh, phải theo dõi trong lồng kính.

Trong trường hợp này, trẻ vẫn hoàn toàn có thể được tiêm phòng lao. Tuy nhiên, vắc-xin chỉ có tác dụng bảo vệ khi cơ thể trẻ chưa bị nhiễm lao. Khi trẻ đã nhiễm lao, việc tiêm vắc-xin muộn đã không còn ý nghĩa. Chính vì thế, khi tiêm phòng lao muộn cho bé, gia đình nên trao đổi và tham khảo ý kiến từ bác sĩ để có quyết định đúng đắn nhất.

Chống chỉ định tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Chống chỉ định tiêm phòng lao cho trẻ
Trong nhiều trường hợp, trẻ bắt buộc phải tạm hoãn tiêm phòng lao
  • Trẻ sinh non, thiếu cân, phải nằm trong lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt.
  • Trẻ bị suy giảm hệ miễn dịch.
  • Trẻ đang bị sốt cao, hay có hiện tượng viêm da mủ.
  • Trẻ mắc bệnh lý nguy hiểm, đang cần điều trị hay đang trong giai đoạn hồi phục.

Phản ứng thường gặp sau khi tiêm phòng lao cho trẻ và cách xử trí

Tiêm vắc-xin phòng lao chính là đưa kháng nguyên lao vào cơ thể trẻ. Phản ứng tự nhiên của cơ thể sẽ làm xuất hiện một vài triệu chứng. Phổ biến nhất là:

Trẻ tiêm phòng lao bị sốt

Sốt là phản ứng rất phổ biến ở trẻ sau khi tiêm vắc-xin và thường không gây ra nguy hiểm gì đáng kể. Nếu trẻ sốt nhẹ, cha mẹ có thể dùng khăn mát chườm trán và sử dụng thuốc hạ sốt nếu cần.

Trẻ tiêm phòng lao bị nổi hạch

Trẻ nổi hạch sau tiêm phòng lao
Các nốt hạch thường nổi lên trong thời gian ngắn, rồi biến mất mà không gây ra quá nhiều nguy hiểm.

Hạch xuất hiện sau tiêm phòng lao chủ yếu do điều kiện chưa vô trùng hoặc bị tiêm quá liều. Đa số trường hợp, hạch sẽ tự biến mất trong 3-4 tháng, một số sẽ hóa mủ hoặc bị vôi hóa. Nếu hạch tồn tại dai dẳng, kéo dài trên 6 tháng mà không mất, kích thước hạch lớn thì cha mẹ có thể cân nhắc cho bé phá hạch.

Tuy nhiên, ở độ tuổi này việc phẫu thuật cắt hạch là chưa cần thiết và khá nguy hiểm. Nếu hạch đã hóa mủ, bạn có thể cho bé chọc hút dịch mủ.

Vết tiêm phòng lao bị mưng mủ

Thông thường, sau 2 tuần đến 1 tháng, hoặc thậm chí lâu hơn, vị trí tiêm phòng lao sẽ bị mưng mủ. Điều này là hoàn toàn bình thường, do đó, cha mẹ không cần quá lo lắng.

Sau một thời gian, mụn mủ sẽ tự vỡ và vị trí tiêm bắt đầu hình thành sẹo. Vết sẹo xuất hiện tại vị trí tiêm phòng lao chứng tỏ trẻ đã có miễn dịch bảo vệ khỏi khuẩn lao.

Các phản ứng phụ chủ yếu xuất hiện là dị ứng – phản vệ và có thể xảy ra với bất kỳ ai. Điều này là rất khó tránh khỏi, tuy nhiên nếu được phát hiện và điều trị sớm, trẻ sẽ hồi phục nhanh và không để lại di chứng gì.

Khi nào cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện?

Cha mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến bệnh viện trong các trường hợp sau:

  • Sốt cao trên 39 độ, không thuyên giảm ngay cả khi đã dùng thuốc hạ sốt.
  • Trẻ quấy khóc không dứt, da dẻ tím tái, khó thở, co giật, hay thậm chí là hôn mê,…
  • Vết tiêm sưng to và hóa mủ (> 1.5 cm), xuất hiện hạch lớn, sưng to ở nách, cổ,… Khi đó cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế, bệnh viện để chích mủ.
Phản ứng nguy hiểm sau tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh
Trẻ quấy khóc dữ dội, sốt cao liên miên, khó thở, tím tái,… là những biểu hiện nguy hiểm có thể gặp phải sau tiêm phòng lao

Lưu ý trước và sau khi tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Lưu ý trước khi tiêm phòng lao:

  • Lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện tiêm phòng cho trẻ.
  • Kiểm tra, xét nghiệm bé đã mắc lao hay chưa trước khi tiến hành tiêm.
  • Trao đổi rõ ràng với bác sĩ về tình trạng sức khỏe của bé.
  • Vệ sinh thân thể sạch sẽ cho bé trước khi tiêm để tránh nhiễm trùng.
  • Cho bé mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thoáng mát.
  • Cho bé ăn uống đầy đủ, tránh bé bị quá no hay quá đói sẽ dễ bị hạ đường huyết, choáng váng, nôn mửa,…

Lưu ý sau khi tiêm phòng lao:

  • Cha mẹ lên giữ bé ở lại phòng tiêm tối thiểu là 1 tiếng để theo dõi phản ứng. Dù có tỷ lệ an toàn rất cao, tuy nhiên, vẫn không thể không phòng ngừa nguy cơ biến chứng xảy ra ở con bạn.
  • Khi về nhà, cha mẹ nên chú ý các biểu hiện của bé trong tối thiểu là 3 ngày sau tiêm.
  • Nếu có bất kỳ biểu hiện bất thường nào, bạn nên đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị.
  • Tuyệt đối không tự ý cho bé uống thuốc nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Một số thắc mắc về tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh

Trẻ bị vàng da có tiêm phòng lao được không?

Với trẻ vàng da sơ sinh, việc có tiêm phòng lao hay không phụ thuộc vào nồng độ bilirubin máu. Trường hợp nồng độ bilirubin ≤ 7mg/dL, trẻ vẫn có thể tiến hành tiêm phòng lao bình thường. Với trẻ có nồng độ bilirubin > 7mg/dL, trẻ cần tạm hoãn tiêm chủng. Khi đó, việc có nên tiêm phòng lao hay không, hay tiêm vào lúc nào bắt buộc phải tuân theo chỉ định từ bác sĩ.

Trẻ vàng da sơ sinh tiêm phòng lao
Việc tiêm phòng lao cho trẻ vàng da sơ sinh cần có sự hướng dẫn, chỉ định từ bác sĩ

Trẻ quấy khóc sau tiêm phòng lao có sao không?

Tiêm phòng lao có thể làm trẻ bị đau, khó chịu dẫn đến quấy khóc. Thực tế, đây là tình trạng rất phổ biến mà hầu như ai cũng gặp sau tiêm. Khi đó, cha mẹ nên hạn chế tối đa việc động chạm, chà sát vào vết tiêm.

Tiêm phòng lao không mưng mủ, không có sẹo có sao không?

Một số trường hợp trẻ phải mất 3 – 6 tháng sau tiêm phòng lao mới xuất hiện mưng mủ. Cha mẹ nên theo dõi và chờ đợi trong khoảng 5 tháng, vì cơ địa mỗi bé là khác nhau. Nếu sau 5 tháng mà trẻ vẫn không xuất hiện vết mưng mủ, cha mẹ nên cân nhắc cho bé đi tiêm phòng lao lại. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý rằng việc tiêm lần 2 phải có sự chỉ định từ bác sĩ.

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh ở đâu?

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh ở đâu?
Bé sẽ được tiêm phòng lao hoàn toàn miễn phí tại bất kỳ cơ sở y tế nào trên cả nước

Với mức độ nguy hiểm và tình trạng lây lan nhanh trong cộng đồng, tiêm phòng lao cho trẻ luôn được ưu tiên hàng đầu. Tại Việt Nam, tiêm phòng lao sau sinh đã nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia. Cha mẹ có thể đưa bé tới bất kỳ cơ sở y tế nào để tiến hành tiêm chủng hoàn toàn miễn phí.

Trên đây là tất cả những thông tin, lưu ý về tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh. Hy vọng rằng, bài viết trên sẽ giúp ích được cho gia đình và bé.

Tài liệu tham khảo:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.