Tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh có mẹ bị bệnh viêm gan B là biện pháp hữu hiệu giúp giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh lý nguy hiểm này từ mẹ sang trẻ. Tuy nhiên, có rất nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hiểu rõ được tầm quan trọng của phương pháp này, thời điểm tiêm thích hợp nhất cũng như các lưu ý sau khi tiêm. Vì vậy, bài viết dưới đây, Vaccine Info sẽ cung cấp đến cha mẹ những thông tin quan trọng về tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh.
Mục lục bài viết
Vì sao cần tiêm vắc xin phối hợp cùng với huyết thanh kháng viêm gan B?
Viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Bệnh có thể lây truyền qua ba con đường chính là: Đường máu, đường tình dục và phổ biến nhất là lây truyền từ mẹ sang con. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 – 13% phụ nữ có thai bị nhiễm virus viêm gan B, vì vậy số trẻ có nguy cơ lây nhiễm bệnh lý này từ mẹ cũng là con số rất lớn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào thời điểm người mẹ bị bệnh mà tỷ lệ truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con cũng sẽ khác nhau.

Trong thời kỳ đầu của thai kỳ (3 tháng đầu) nếu mẹ bị nhiễm virus viêm gan B thì tỷ lệ truyền mầm bệnh cho con rất thấp, chỉ vào khoảng 1%. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 10% nếu người mẹ bị bệnh vào 3 tháng giữa của thai kỳ. Đặc biệt, nếu mẹ nhiễm bệnh viêm gan B vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ thì tỷ lệ truyền mầm bệnh virus cho trẻ có thể lên đến 60 – 70%. Có thể thấy rằng, tỷ lệ truyền bệnh viêm gan B từ mẹ sang con sẽ rất cao khi người mẹ mắc bệnh từ tháng thứ 3 thai kỳ trở đi.
Viêm gan B lây từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai thường có tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 2%). Tuy nhiên, tỷ lệ truyền nhiễm này sẽ tăng rất cao trong khi sinh nở. Trong quá trình chuyển dạ, trẻ sơ sinh có mẹ nhiễm viêm gan B có thể bị nhiễm virus do tiếp xúc trực tiếp với máu từ nhau thai, sản dịch, máu của mẹ hoặc hít hay nuốt phải dịch có virus. Việc lây nhiễm này có thể xảy ra ngay cả khi người mẹ sinh mổ hay sinh thường.
Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh là đối tượng có hệ miễn dịch còn non yếu, chưa hoàn chỉnh. Bởi vậy, trẻ sẽ không có đủ sức đề kháng để chống lại và tiêu diệt virus. Khi trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ trong quá trình sinh, 90% trong đó sẽ tiến triển thành viêm gan B mạn tính và có thể gây ra nhiều tổn thương nghiêm trọng ở gan như xơ gan, ung thư gan khi trẻ lớn lên. Do đó, sự lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con là rất nguy hiểm.

Chính vì vậy, khi người mẹ bị nhiễm viêm gan B hoặc có nguy cơ lây nhiễm, trẻ sơ sinh cần được tiêm huyết thanh phối hợp với vắc xin viêm gan B ngay sau sinh để phòng ngừa lây nhiễm bệnh từ mẹ. Huyết thanh viêm gan B là Globulin miễn dịch kháng viêm gan B có tác dụng tạo miễn dịch thụ động, cung cấp cho trẻ kháng thể bảo vệ chống lại virus viêm gan B ngay lập tức. Còn vắc xin viêm gan B sẽ giúp trẻ tự tạo ra kháng thể, tạo miễn dịch chủ động bảo vệ cơ thể trước virus.
Đặc biệt, tiêm huyết thanh phối hợp vắc xin viêm gan B không chỉ là biện pháp hữu hiệu và an toàn giúp giảm khả năng trẻ bị lây nhiễm viêm gan B từ mẹ trong trường hợp mẹ nhiễm bệnh mà còn giúp bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ lây bệnh từ các thành viên khác trong gia đình hoặc người chăm sóc trẻ. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý đến vấn đề này để đảm bảo phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B tốt nhất cho trẻ.
Nên tiêm huyết thanh viêm gan B trong vòng mấy giờ sau sinh?
Việc tiêm vắc xin phối hợp với tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh là rất quan trọng và cần được thực hiện càng sớm càng tốt.
Trẻ sơ sinh nên được tiêm huyết thanh và vắc xin viêm gan B trong vòng 12h – 24h sau sinh, tốt nhất là trong vòng 12h. Trong khoảng thời gian này, nếu được tiêm đúng cách, trẻ sẽ có 95% cơ hội được bảo vệ chống lại viêm gan B suốt đời. Hiệu quả của huyết thanh sẽ giảm dần và giảm rõ rệt sau 48h sau sinh. Do đó, nếu không được tiêm phòng đúng cách hoặc quá muộn, trẻ sẽ có nguy cơ cao bị viêm gan B sau này.

Liều tiêm huyết thanh và vắc xin cho mỗi trẻ sơ sinh là khác nhau tùy vào tình trạng bệnh viêm gan B của người mẹ:
➤ Nếu mẹ có HbsAg dương tính (cơ thể đang nhiễm virus viêm gan B) và HbeAg âm tính (virus viêm gan B đang ở trạng thái không hoạt động, sinh sôi), trẻ sơ sinh cần được tiêm một liều huyết thanh viêm gan B và một mũi vắc xin ngừa viêm gan B ngay sau sinh.
➤ Đối với trẻ sơ sinh có người mẹ có cả HbsAg và HbeAg đều dương tính, ngay sau khi sinh trẻ cần được tiêm 2 liều huyết thanh viêm gan B và một mũi vắc xin phòng ngừa viêm gan B.
Ngoài ra, đối với vắc xin viêm gan B, trẻ cần được tiêm nhắc lại vào thời điểm tháng thứ 2 và tháng thứ 4 sau sinh. Do đó, cha mẹ cần chú ý nắm rõ thời gian để đưa trẻ đi tiêm phòng theo đúng theo lịch tiêm chủng và hướng dẫn của Bộ y tế.
Những vấn đề cần lưu ý khi tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh
Tiêm huyết thanh viêm gan B ngay sau sinh để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B cho trẻ sơ sinh là phương pháp hiệu quả và an toàn. Tuy nhiên, sau khi tiêm, mẹ và bé vẫn cần lưu lại cơ sở tiêm phòng ít nhất 30 phút để theo dõi tình trạng phản ứng của cơ thể bé đối với thuốc. Trong khoảng thời gian này, nếu trẻ có bất cứ biểu hiện bất thường nào, mẹ cần báo ngay cho các nhân viên y tế để được hỗ trợ kịp thời.
Ngoài ra, các mẹ sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ sau khi tiêm ngừa. Nếu không có gì bất thường, mẹ có thể đưa trẻ về nhà và tiếp tục theo dõi tại nhà trong vòng 48h.
Sau khi tiêm huyết thanh viêm gan B, trẻ có thể gặp các phản ứng nhẹ như đau ở chỗ tiêm, sốt nhẹ, quấy khóc, bỏ bú, nổi mẩn đỏ trên da… Đây là những phản ứng thường gặp của cơ thể trẻ và có thể tự biến mất sau một vài ngày. Vì vậy, các mẹ không nên quá lo lắng, hoảng sợ và cần tiếp tục theo dõi sát sao tình trạng của bé.

Trong quá trình theo dõi và chăm sóc cho trẻ sau tiêm ngừa, các mẹ cần lưu ý những điều sau:
- Trẻ sau khi tiêm có thể quấy khóc nhiều. Do đó, các mẹ cần quan tâm đến con nhiều hơn, cho ăn khi bé còn thức và không nên cho bé nằm bú.
- Nếu trẻ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc bị đau tại chỗ tiêm, mẹ cần cho bé bú nhiều hơn hoặc chườm mát để hạ sốt.
- Theo dõi trẻ kỹ càng, nếu trẻ có các biểu hiện bất thường như: sốt cao liên tục kéo dài không đỡ, co giật, quấy khóc kéo dài, bú kém, người tím tái, khó thở, nổi mề đay toàn thân, vết tiêm sưng đau… mẹ cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và xử lý kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm đối với trẻ.
Tóm lại, việc tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh là vô cùng cần thiết. Vì vậy, các bậc cha mẹ, đặc biệt là khi người mẹ đã nhiễm bệnh viêm gan B hoặc có nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần đặc biệt lưu ý vấn đề tiêm huyết thanh viêm gan B cho trẻ sơ sinh để đảm bảo trẻ được tiêm đúng và kịp thời nhất. Điều đó sẽ giúp trẻ có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm viêm gan B để trẻ luôn khỏe mạnh và phát triển một cách tốt nhất.
Tài liệu tham khảo:
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC1363909/
https://immunisationhandbook.health.gov.au/recommendations/infants-born-to-mothers-who-are-hepatitis-b-surface-antigen-positive-are-recommended