Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng viêm dạ dày – ruột ở trẻ em. Biểu hiện thường gặp là trẻ bị tiêu chảy nặng. Mỗi năm có hàng triệu trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nhiễm Rotavirus và đã có nhiều trường hợp không qua khỏi. Vắc xin Rotateq được xem là giải pháp hàng đầu giúp phòng chống Rotavirus ở trẻ nhỏ. Bài viết này, Vaccine Info cung cấp một số thông tin quan trọng về Rotateq. Các mẹ nên tham khảo để có thể chăm sóc trẻ khỏe mạnh.
Mục lục bài viết
Rotateq là gì?
Rotateq là một dạng vắc xin sống được lựa chọn hàng đầu để phòng ngừa viêm dạ dày, viêm ruột ở trẻ em. Nguyên nhân bệnh thường gặp là do các tuýp G1, G2, G3, G4 và G9 của chủng Rotavirus gây ra.
Vắc xin Rotateq có xuất xứ từ Mỹ, với thành phần gồm 5 chủng Rotavirus được lai tạo từ cơ thể bò và người. Vắc xin có khả năng tạo miễn dịch chủ động giúp bảo vệ đường tiêu hóa ở trẻ nhỏ.
Thành phần
Mỗi liều 2ml chứa 5 tái tổ hợp Rotavirus của bò và người gồm G1, G2, G3, G4 và P1A[8]. Mỗi liều có mức biến thể tối thiểu như sau:
- 2,2 x 106 đơn vị gây nhiễm G1.
- 2,8 x 106 đơn vị gây nhiễm G2.
- 2,2 x 106 đơn vị gây nhiễm G3.
- 2,0 x 106 đơn vị gây nhiễm G4.
- 2,3 x 106 đơn vị gây nhiễm P1A[8].
Ngoài ra, nó còn chứa một số tá dược như: Natri citrate, Sucrose, Natri hydroxide, Natri phosphate, Polysorbate 80. Vắc xin không chứa môi trường nuôi cấy, chất bảo quản hay Thimerosal.
Chỉ định và công dụng của vắc xin Rotateq
Vắc xin Rotateq chỉ dùng đường uống, không được tiêm.
Chỉ định với trẻ em trên 7,5 tuần tuổi để phòng tránh viêm dạ dày – ruột do Rotavirus các tuýp G1, G2, G3, G4 và và các týp vi-rút G có chứa P1A[8] (ví dụ như G9) gây ra.

Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Cho trẻ uống trực tiếp, không được pha loãng với nước hay các dung dịch khác, không được trộn lẫn với bất kỳ vắc xin nào khác.
Liều dùng: Vắc xin Rotateq gồm 3 liều. Liều đầu tiên dùng khi trẻ được 7,5 – 12 tuần tuổi. Những liều sau sử dụng cách liều trước tối thiểu 4 tuần. Cần hoàn thành liều cuối trước khi trẻ được 32 tuần tuổi.
Nếu sau khi uống vắc xin trẻ bị nôn, trớ thì không được cho trẻ uống liều thay thế. Trường hợp này chưa có nghiên cứu lâm sàng cụ thể. Những liều còn lại được áp dụng theo các mốc thời gian đã khuyến cáo.
Chống chỉ định
- Trẻ mẫn cảm với bất kỳ thành phần phần nào của vắc xin hoặc có các biểu hiện mẫn cảm sau khi dùng liều đầu tiên.
- Trẻ có các dị tật bẩm sinh về đường tiêu hóa.
- Trẻ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch kết hợp nghiêm trọng (SCID).
- Chống chỉ định với người lớn.
Thận trọng
Hiện nay chưa có số liệu nghiên cứu lâm sàng đối với các đối tượng sau đây:
- Trẻ em bị suy giảm khả năng miễn dịch, điển hình với các trẻ bị u ác tính, HIV-AIDS hoặc đang điều trị ức chế miễn dịch.
- Trẻ đang phải truyền máu toàn phần hay truyền một số thành phần của máu (kể cả globulin miễn dịch nếu chưa quá 42 ngày).
- Trẻ đã phơi nhiễm Rotavirus.

Sự đáp ứng với bất kì loại vắc xin nào cũng phải tùy vào cơ địa của mỗi trẻ. Đồng nghĩa với việc không phải tất cả trẻ dùng Rotateq đều có đáp ứng miễn dịch bảo vệ.
Cha mẹ nên cân nhắc giữa mặt lợi và hại khi sử dụng vắc xin đối với những trẻ mắc các bệnh nặng như: ung thư, tim bẩm sinh, bệnh giảm bạch cầu trung tính, xơ nang tụy,… Nhiều nghiên cứu cho thấy, không tìm ra chủng vắc xin trong phân những trẻ này.
Không có đảm bảo về mặt tác dụng đối với những trẻ sử dụng vắc xin Rotateq không đủ 3 liều hay sử dụng không đúng các mốc thời gian đã khuyến cáo.
Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn cấp hay sốt và được bác sĩ đánh giá nếu không sử dụng Rotateq sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn thì có thể sử dụng vắc xin muộn hơn so với lịch trình đã khuyến cáo. Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở thể nhẹ và sốt nhẹ không phải là chống chỉ định đối với việc cho trẻ uống vắc xin Rotateq.
Tương tác với thuốc khác
Cho đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào có xảy ra tương tác với các thuốc khác.
Không được pha trộn nhưng có thể chủng ngừa đồng thời vắc xin Rotateq với các loại vắc xin sau đây:
- Vắc xin ho gà vô bào (DTaP).
- Vắc xin uốn ván.
- Vắc xin bạch hầu.
- Vắc xin phế cầu.
- Vắc xin lục giá (Infanrix Hexa).
Dùng đồng thời vắc xin phòng Rotavirus với vắc xin bại liệt bất hoạt (IPV hoặc OPV) có thể làm giảm một phần đáp ứng của cơ thể trẻ đối với vắc xin Rotateq nhưng không ảnh hưởng đến đáp ứng miễn dịch với kháng nguyên virus bại liệt.
Tác dụng phụ của vắc xin tiêu chảy Rotateq

Nghiên cứu Rest trên 71.725 trẻ cho thấy vắc xin Rotateq không làm tăng nguy cơ lồng ruột ở trẻ nhỏ.
Tỉ lệ tương đối cao (1/10) trẻ khi uống Rotateq gặp phải các vấn đề như: sốt, nôn, tiêu chảy. Cha mẹ nên cho trẻ uống vắc xin khi đói để hạn chế bị nôn trớ.
Hiếm gặp (tỉ lệ >= 1/1000 và <= 1/100): viêm mũi họng, phản ứng shock phản vệ, mày đay, phù mạch.
Sau khi uống vắc xin, cha mẹ cần quan sát trẻ trong khoảng 48h. Nếu trẻ có biểu hiện khác thường, cha mẹ nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được khám chữa kịp thời. Ngoài ra, cần chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện y tế để đề phòng trường hợp shock phản vệ có thể xảy ra.
Rotateq có giá bao nhiêu?
Rotateq có giá dao động từ 500.000 – 600.000 VNĐ với 1 liều uống.
Nếu còn thắc mắc hay muốn tư vấn thêm về vắc xin đường uống Rotateq, cha mẹ có thể để lại lời nhắn dưới bài viết này để được các chuyên gia của chúng tôi hỗ trợ giải đáp!
Tài liệu tham khảo:
https://www.webmd.com/drugs/2/drug-95020/rotateq-vaccine-oral/details
https://www.cdc.gov/vaccines/vpd/rotavirus/hcp/index.html