Vacxin Pneumo 23 phòng bệnh do phế cầu: Cách dùng và những lưu ý

Pneumo 23 - Vắc xin phòng bệnh do Phế cầu khuẩn

Phế cầu khuẩn đang ngày càng gây ra nhiều bệnh, phổ biến như: Viêm phổi, viêm tai giữa, nhiễm trùng huyết,… Để bảo vệ cơ thể, giảm nguy cơ mắc các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra thì vắc xin Pneumo 23 là một lựa chọn rất cần thiết. Bài viết này, Vaccine Info sẽ giúp bạn tìm hiểu thêm chi tiết thông tin.

Pneumo 23 là gì?

Pneumo 23 là vắc xin phế cầu dạng Polysaccharide. Đây là vắc xin có tác dụng phòng ngừa các bệnh nhiễm khuẩn (viêm phổi, nhiễm khuẩn nặng,…) do phế cầu khuẩn gây ra, nhờ vào thành phần vắc xin chứa các typ huyết thanh của phế cầu.

Thành phần của vacxin Pneumo 23

Hoạt chất chính: Polysaccharide của Streptococcus pneumoniae, gồm 23 typ huyết thanh 1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9V, 9N, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19F, 19A, 20, 22F, 23F, 33F (mỗi typ huyết thanh 25mcg, trong một liều 0.5ml)

Các chất khác: Dung dịch đệm phenol chứa phenol, sodium chloride, dihydrated disodium phosphate, dihydrated monosodium phosphate và nước pha tiêm.

Công dụng, chỉ định

Vắc xin Pneumo 23 được chỉ định: Tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa viêm phổi, nhiễm khuẩn toàn thân do phế cầu khuẩn các typ huyết thanh 1, 2, 3, 4, 5, 8, 14, 20, 6B, 7F, 9V, 9N, 10A, 11A, 12F, 15B, 17F, 18C, 19A, 19F, 22F, 23F, 33F (có trong thành phần vắc xin), cho những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao từ 2 tuổi trở lên.

Công dụng, chỉ định
Pneumo 23 phòng viêm phổi cho người già

Nhóm những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh do phế cầu cao:

  • Những người từ 65 tuổi trở lên
  • Đối tượng có miễn dịch bình thường đang mắc các bệnh mãn tính như: bệnh tim mạch, bệnh phổi, nghiện rượu,…
  • Những đối tượng bị suy giảm miễn dịch: Cắt lách hay rối loạn chức năng lách, bệnh hồng cầu hình liềm, suy thận mạn, hội chứng thận hư và cấy ghép tạng,…
  • Những đối tượng mắc HIV có triệu chứng hay không có triệu chứng
  • Bệnh nhân đang trong tình  trạng dò dịch não tủy

Nhóm đối tượng đặc biệt: Những người sống trong các môi trường tập thể, hay môi trường làm việc có nguy cơ nhiễm Phế cầu khuẩn không xác định, hoặc bị các biến chứng do nhiễm khuẩn cao.

Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên tái diễn thường xuyên, đặc biệt là viêm tai giữa và viêm xoang, không phải là chỉ định để tiêm vắc xin.

Cách dùng, liều lượng

Cách dùng

Pneumo 23 nên được tiêm bắp là tốt nhất. Tuy nhiên, vắc xin vẫn có thể được dùng qua đường tiêm dưới da.

Bạn nên tuân thủ nghiêm chỉnh theo các chỉ định mà bác sĩ yêu cầu.

Do vắc xin Pneumo 23 cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp. Vì thế trước khi tiêm, cần để vắc xin ở nhiệt độ phòng vài phút.

Lưu ý: Cần lắc kỹ trước khi dùng

Liều dùng

Liều dùng
Tiêm Pneumo 23 cho bé

Liều dùng của vắc xin phụ thuộc vào mục đích của người dùng:

  • Chủng ngừa cơ bản: Tiêm 1 liều 0.5ml
  • Tái chủng: Tiêm 1 liều 0.5ml

Theo các dữ liệu hiện có, không khuyến cáo tái chủng 1 cách có hệ thống ở những người trước đây đã tiêm vắc xin phế cầu.

Tuy nhiên, việc tái chủng được khuyến cáo đối với các đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm khuẩn do phế cầu, hay những người có nồng độ kháng thể giảm rõ rệt đã được tiêm vắc xin phế cầu quá 5 năm.

Việc tái chủng từ 3 – 5 năm cũng được khuyến cáo cho các trẻ dưới 10 tuổi bị hội chứng thận hư, cắt lách, hoặc tình trạng làm giảm nồng độ kháng thể.

Lịch chủng ngừa của vắc xin Pneumo 23

Tiêm liều cơ bản: 1 mũi tiêm, liều 0.5ml

Tiêm liều nhắc lại (nếu có): 3 đến 5 năm tiêm nhắc lại 1 lần

Tương tác thuốc

Bạn cần phải thông báo cho bác sĩ điều trị tất cả các dược phẩm bạn đang dùng, hay mới ngừng dùng (kể cả các dược phẩm không theo đơn của bác sĩ).

Pneumo 23 có thể được tiêm cùng với vắc xin cúm khi dùng khác bơm tiêm và tiêm ở các vị trí phù hợp khác nhau.

Tác dụng phụ

Pneumo 23 có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn như:

  • Tại vị trí tiêm sưng, đỏ, đau có thể có nốt cứng.
  • Cơ thể có thể bị sốt nhẹ, vừa. Sốt sẽ khỏi trong khoảng 24 giờ sau tiêm nếu có.
  • Viêm hạch bạch huyết
  • Đau đầu, mệt mỏi
  • Phát ban, nổi mày đay
  • Đau các khớp, đau cơ,…
  • Nặng nhất có thể gặp phải là sốc phản vệ

Cần được hỗ trợ y tế ngay nếu trẻ sau tiêm vắc xin gặp bất kỳ triệu chứng của phản ứng dị ứng nào sau đây:

  • Khó thở
  • Môi, lưỡi xanh tím, sưng
  • Sưng đột ngột ở các vị trí khác như: Mặt, cổ, họng, bàn tay, bàn chân,…
  • Tụt huyết áp, ngất,…
Các phản ứng dị ứng thường xuất hiện rất sớm sau khi tiêm. Vì thế, việc bạn ở lại cơ sở y tế sau tiêm 30 phút là rất cần thiết.

Thận trọng khi sử dụng vaccine Pneumo 23

Thận trọng khi sử dụng Pneumo 23
Thận trọng khi dùng Pneumo 23

Khi dùng vắc xin Pneumo 23 cần thận trọng những điều sau:

  • Không tiêm vào lòng mạch máu: Phải chắc chắn mũi tiêm không đâm vào lòng mạch máu.
  • Phải thực hiện tái chủng đúng theo liều dùng
  • Khi dùng vắc xin đường tiêm bắp thì có nguy cơ tụ máu tại chỗ tiêm. Không nên tiêm Pneumo 23 bằng đường tiêm bắp cho các đối tượng có rối loạn đông máu. Nếu tiêm Pneumo 23 cho những đối tượng này thì cần thận trọng khi tiêm và có những biện pháp phòng ngừa thích hợp, tránh nguy cơ tụ máu sau tiêm.
  • Trước khi tiêm Pneumo 23, cán bộ y tế cần nắm rõ được về tiền căn, bệnh sử của đối tượng chuẩn bị tiếp nhận tiêm và gia đình họ. Cần biết tình trạng sức khỏe gần đây, kể cả quá trình tiêm chủng của bệnh nhân.Nắm được tình hình sức khỏe hiện tại, hay tất cả các phản ứng không mong muốn đã từng gặp sau khi tiêm chủng.
  • Hết sức thận trọng đối với những đối tượng đã từng bị tai biến nghiêm trọng, đối tượng gặp phản ứng phụ nặng trong vòng 48 giờ sau tiêm 1 vắc xin chứa thành phần tương tự.
  • Phải chuẩn bị đầy đủ các phương án để đối phó với các tình huống bất ngờ. Phải chuẩn bị Epinephrine dạng tiêm (nồng độ 1/1000) để xử lý cấp cứu ngay khi có trường hợp sốc phản vệ hay phản ứng dị ứng nặng.

Lưu ý khi dùng vacxin phế cầu Pneumo 23

Đối với phụ nữ có thai và cho con bú

Những đối tượng mang thai:

  • Tác động trên động vật: Không có dữ liệu kết luận khả năng gây dị dạng của vắc xin
  • Tác động trên con người: Không có đủ dữ liệu để đưa ra kết luận vắc xin gây tác động xấu tới thai nhi (như gây độc cho phôi, gây dị dạng,…)
Cần tránh chỉ định dùng Pneumo 23 cho phụ nữ có thai (trừ trường hợp bắt buộc, nguy cơ nhiễm bệnh cao)

Đối với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú: Pneumo 23 có thể dùng cho đối tượng này.

Đối với người lái xe và vận hành máy móc

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh Pneumo 23 gây ảnh hưởng tới vấn đề lái xe, vận hành máy móc.

Tiêm Pneumo 23 ở đâu?

Bạn nên tới các cơ sở y tế uy tín để thực hiện tiêm chủng. Vì điều này sẽ nâng cao được mức độ an toàn của quá trình tiêm và sau tiêm, cũng như đảm bảo chất lượng vắc xin.

Vacxin phế cầu Pneumo 23 của Pháp giá bao nhiêu?

Giá tiêm vắc xin Pneumo 23 là 390.000 nghìn đồng. Tuy nhiên, nó còn dao động do phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ y tế của cơ sở tiêm, vào nguồn gốc nhập khẩu vắc xin, đơn vị phân phối,…

Nếu có thêm câu hỏi hay thắc mắc gì về Pneumo 23, bạn hãy để lại bình luận bên dưới để có thể nhận được câu trả lời sớm nhất từ các chuyên gia.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.